Sạt lở hàng năm đã làm mất đi hàng ngàn ha đất ven sông

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao, tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời; có 54 điểm có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài 88.333 mét. Từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven sông, thiệt hại về tài sản của nhân dân hàng tỷ đồng. Trong đó, địa bàn huyện Đầm Dơi đã xảy ra 08 vụ sạt lở, ảnh hưởng đến 26 hộ dân, thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng; huyện Ngọc Hiển xảy ra 05 vụ sạt lở đất làm thiệt hại 10 căn nhà 09 hộ dân, một bờ kè và một đoạn giao thông nông thôn làm thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân hàng trăm triệu đồng… Bên cạnh đó, tình hình sạt lở ở Đê biển Tây diễn biến rất phức tạp, đã làm mất đi diện tích rất lớn rừng phòng hộ. Theo thống kê, có khoảng 40.000 km bờ biển bị sạt lở làm hơn 840 ha rừng phòng hộ ven biển Tây đã bị mất. Một số nơi do rừng phòng hộ không còn, sóng biển tác động trực tiếp vào thân đê, làm sạt lở nghiêm trọng hệ thống đê biển Tây.

Trong thời gian qua, mặc dù có sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong chỉ đạo xử lý những phát sinh nhằm phòng ngừa, khắc phục, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất ven sông gây ra, như xây dựng một số mô hình trồng cây, làm bờ kè chống sạt lở đất… Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của địa phương có giới hạn nên việc đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở còn hạn chế. Tình trạng sạt lở đất ven sông còn diễn biến phức tạp, khó lường, đang là vấn đề bức xúc của nhân dân và tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Những đoạn lộ giao thông nông thôn bị sạt lở
làm thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân


Phòng chống, khắc phục, giảm nhẹ thịêt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông gây ra là một vấn đề rất lớn, khó khăn và phức tạp. Đây là vấn đề vừa có tính cấp bách trước mắt nhưng cũng vừa có tính cơ bản lâu dài, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp tối ưu để huy động mọi nguồn lực, có sự tham gia của các ngành, các cấp và của cả cộng đồng; phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, kỳ quyết, đồng bộ và thường xuyên. Thiết nghĩ, cần tập trung chỉ đạo nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây ra sạt lở ở từng vùng để có giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục cơ bản tình trạng sạt lở đất ven sông trong thời gian tới. Trước mắt, tiến hành công khai các điểm có nguy cơ sạt lở cao và hướng dẫn nhân dân phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, biện pháp phòng chống sạt lở của cơ quan chức năng.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan